Gia Lai định hướng phát triển chanh leo thành cây chủ lực

Mục Lục Bài Viết

Chiều 29/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh hợp tác xã tỉnh Gia Lai và Công ty cổ phần Nafoods Group đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển chanh leo và rau quả theo Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tính đến đầu năm 2023, diện tích chanh leo khoảng trên 4.000 ha; diện tích cho sản phẩm hơn 3.000 ha; năng suất bình quân đạt 451,5 tạ/ha; sản lượng đạt gần 150.000 tấn. Dự kiến đến năm 2025, diện tích chanh leo trên địa bàn tỉnh khoảng 20.000 ha. Cây chanh leo trồng chủ yếu ở các huyện như Chư Prông gần 822 ha, Ia Grai 650 ha, Đăk Đoa 620 ha, Chư Sê 507,7 ha, Chư Păh 500 ha, Mang Yang 382 ha, K’bang 239 ha.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, với chi phí đầu tư bình quân cho 1 ha chanh leo khoảng 160 – 170 triệu đồng. Sau khi trồng 8 – 9 tháng, chanh leo cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, đến tháng 11 – 12 cho thu hoạch lứa quả thứ hai, đến tháng thứ 14 cho thu hoạch lứa quả thứ 3 và thu mót, dọn vườn vào khoảng tháng 16, 17 sau khi trồng. Năng suất chanh leo bình quân khoảng 40 – 45 tấn/ha. Giá bán bình quân hiện nay khoảng 12.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 360 – 370 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Nafoods Gruop cho biết, hiện tại trên thị trường có nhiều cơ sở sản xuất giống khác nhau, tuy nhiên cây giống của Nafoods được sản xuất ra đảm bảo ổn định về năng suất và chất lượng, đặc biệt là quản lý virus trên cây giống. Nafoods là đơn vị sản xuất giống chanh leo duy nhất tại Việt Nam làm chủ công nghệ phân tích phân tử kiểm nghiệm virus trên cây chanh leo.

Qua 9 năm đưa cây giống đưa cây giống ra thị trường, từ quy mô 200.000 cây giống/năm, đến nay doanh nghiệp đang cung ứng ra thị trường 12 triệu cây giống/năm, chiếm 60% thị phần giống chanh leo Việt Nam. Hiện nay giống chanh leo Nafoods được bà con nông dân tin tưởng sử dụng về năng suất và chất lượng đáp ứng thị trường từ quả tươi đến phục vụ chế biến.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Gia Lai hy vọng biến Gia Lai thành thủ phủ chanh leo tím, phát triển chanh leo thành cây chủ lực. Tuy nhiên, để cây chanh leo phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, nhất thiết cần phải chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp – hợp tác xã với nông dân, từ khâu giống, phân bón, thu mua, chế biến và xuất khẩu.

Đại diện Viện bảo vệ thực vật (Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, chanh leo không phải là cây trồng mới, tuy nhiên do sâu bệnh nên cây chanh leo chưa đạt hiệu quả mong muốn. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, lý do là cây chanh leo bị nhiễm bệnh virus như trùng ngọn, xoăn lá, thối phình, vàng lá… Đề xuất để đảm bảo sản xuất cây chanh leo an toàn cần chú trọng phát triển xây dựng nhiều vườn cây đầu dòng được giám định sạch bệnh. Bà con trước khi trồng, mua giống có chứng nhận chất lượng. Sau đó phải bám sát quy trình sống của cây để phát hiện sớm sâu bệnh nếu có, phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh để phòng ngừa sâu bệnh trên cây chanh leo.

Sau khi tìm hiểu năng lực, tiềm năng và nhu cầu thực tế, các bên thống nhất ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển chanh leo trên địa bàn tỉnh theo Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2026.

Biên bản ghi nhớ tập trung tham vấn thành lập “Hiệp hội chanh leo và rau quả tỉnh Gia Lai”; xúc tiến đề xuất xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm, xây dựng chỉ dẫn địa lý chanh leo Gia Lai. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến chanh leo; việc quản lý chất lượng cây giống các cơ sở sản xuất giống chanh leo trên địa bàn.

Công ty Cổ phần Nafoods Group hỗ trợ cơ quan chức năng về kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng cây giống, đặc biệt là kiểm nghiệm về virus trên cây giống chanh leo. Cùng đó, các bên xây dựng các chương trình, mô hình khuyến nông về cây chanh leo có tính lan tỏa cao đến được người dân vùng sâu, vùng xa thông qua mạng lưới khuyến nông địa phương với các chương trình tư vấn canh tác, phòng chống sâu bệnh lưu động hoặc các buổi tọa đàm trên truyền hình, trên các nền tảng số. Ngoài ra, các bên cũng phối hợp tham mưu tổ chức lễ xuất lô hàng chanh leo chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

Biên bản ghi nhớ cũng đề cập đến việc phối hợp với các địa phương giới thiệu các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham gia hợp tác, liên kết với Công ty cổ phần Nafoods; tư vấn, vận động các hợp tác xã về phát triển vùng nguyên liệu và hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh leo trên địa bàn tỉnh; triển khai xây dựng Dự án “Ứng dụng công nghệ số hóa trong quản lý và phát triển chuỗi giá trị vùng trồng chanh leo gắn mô hình Khuyến nông – Hợp tác xã thông minh”.
Biên bản ghi nhớ cũng đề cập đến vấn đề làm việc với các địa phương, hợp tác xã, tổ hợp tác để thỏa thuận ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chanh leo trên địa bàn tỉnh; chủ động ký hợp đồng cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và ứng dụng số hóa trong quản lý và phát triển vùng trồng, hợp đồng bao tiêu nông sản với các hợp tác xã, tổ hợp tác, đảm bảo chất lượng.

Đồng thời, xúc tiến xây dựng Trung tâm giống công nghệ cao trên cơ sở sắp xếp lại trung tâm giống hiện có của Công ty cổ phần Nafoods Group và của các bên, kêu gọi sự đầu tư thêm từ bên ngoài về công nghệ, khoa học kỹ thuật, nguồn lực tài chính, thị trường và cơ chế chính sách phù hợp.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Developed by Tiepthitute
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay
Chat ngay