Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Chanh Dây Đạt Năng Suất Cao

Mục Lục Bài Viết

Chanh dây hay còn gọi là chanh leo, mắc mát, lạc tiên, mác mác… Việc trồng chanh dây thực tế không quá phức tạp, yêu cầu vốn đầu tư ít, kỹ thuật chăm sóc đơn giản. Nhờ đó mà mô hình trồng cây chanh dây đã và đang mang lại nguồn lợi nhuận to lớn cho bà con nông dân ở nhiều vùng miền khác nhau.

Điển hình, tại Lâm Đồng nói chung, đặc biệt là các tỉnh Gia Lai, Đăk Nông, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh leo mà bà con đã thu được năng suất bình quân đạt từ 70 – 100 tấn/ha/năm, có nhiều hộ còn đạt tới 130 tấn/ha/năm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài viết dưới đây sẽ cho bà con quy trình kỹ thuật trồng chanh dây, chăm sóc chanh dây cho năng suất cao nhất. Mời bà con cùng theo dõi

Kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh dây 

1.  Yêu cầu điều kiện sinh thái của cây chanh dây 

Về cơ bản, cây chanh dây có thể trồng được ở khắp các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, để thu được nhiều trái, năng suất cao, giống cây này yêu cầu điều kiện sinh thái như sau:

  • Vùng trồng: Cây chanh dây tím thích hợp với vùng á nhiệt đối, độ cao trung bình từ 1.000 – 2.000m so với mực nước biển. Còn cây chanh dây vàng thích hợp với vùng nhiệt đới có độ cao trung bình từ trên 600m so với mực nước biển. Do đó, cây chanh dây tím thường được trồng nhiều ở vùng Tây Nguyên.
  • Đất đai: Chanh leo không kén đất, nhưng phù hợp hơn với đất có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt, vùng đất bằng phẳng, ấm áp. Đất trồng chanh dây phải thoát nước tốt, pH của đất từ 5.5 – 6.0, tầng canh tác tối thiểu 50cm. Độ cao so với mặt nước biển là 500 – 1.000m. (Riêng giống chanh dây tím thích hợp với độ cao từ 600 – 800m)
  • Nhiệt độ: thích hợp từ 16 – 30 độ C, vùng trồng không có sương muối (như vậy các tỉnh vùng cao phía bắc rét đậm rét hại, sương muối hầu như không thể phát triển cây chanh dây). Dưới 10 độ, cây sẽ chết.
  • Ánh sáng: Cây ưa cường độ ánh sáng nhẹ.
  • Lượng mưa: Đòi hỏi lượng mưa trung bình từ 1.600mm/năm, phân bố đều. Giai đoạn sai quả và nuôi quả yêu cầu lượng nước nhiều hơn, nếu thiếu nước quả sẽ bị teo, sần sùi, xấu xí và rụng.

2. Chọn giống cây chanh leo

Cây chanh dây có nhiều giống khác nhau như được trồng phổ biến, co sai nhiều quả hơn cả là giống chanh vàng và chanh tím.

  • Chanh dây vàng: sức sống mạnh, ít sâu bệnh gây hại, thích ứng tốt với điều kiện đất đai nhưng cho năng suất trung bình, quả có kích thước vừa và nhỏ. Khi chín, vỏ chanh có màu vàng ươm, bắt mắt.
  • Chanh dây tím: Nguồn gốc chủ yếu từ Đài Loan. Cũng có khả năng sinh trưởng tốt nhưng yêu cầu địa hình cao. Năng suất vượt trội, kích thước trái từ vừa đến lớn. Khi chín, quả chanh có màu tím hoặc đỏ. Giống chanh này được thị trường ưu ái hơn cả.

Yêu cầu chung với cây giống:

  • Chọn cây khỏe mạnh, không có sâu bệnh, lá tươi phát triển tốt.
  • Chọn cây ươm trong bầu có chiều cao từ 10 – 12cm.
  • Mua cây giống trong các vườn ươm uy tin, có giấy chứng nhật. Giống cây đem ươm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ngoài ra, bà con cũng có thể chọn hạt giống và áp dụng các phương pháp xử lý như sau:

  • Ngâm hạt giống trong nước ấm 30 – 40 độ C trong 24 giờ, vớt hết hạt lép, hạt thối.
  • Sau khi ngâm xong thì vớt ra, có thể ủ thêm 1 giờ để kích thích hạt nảy mầm. Sau đó đem gieo vào bầu cây hoặc chậu đất gieo có bán kính 15cm. Phủ lớp đất mỏng che kín hạt để hạt nảy mầm.
  • Đặt chậu vào nơi râm mát, có cường độ ánh sáng nhẹ tưới nước thường xuyên.
  • Sau 2 – 3 tuần, hạt giống bắt đầu nảy mầm.
  • Đến tuần thứ 6, khi cây cao từ 8 – 10cm thì chọn lọc và đem ra vườn trồng.

3. Thời vụ và mật độ trồng cây chanh dây:

Thời vụ:

Chanh leo có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên thời vụ thích hợp nhất là cuối tháng 11 và tháng 1 năm sau.

Mật độ và khoảng cách:

Nếu trồng xen canh với các giống cây khác, bà con có thể duy trì mật độ:

  • Khoảng cách 5 x 5m, tương đương mật độ 400 cây/ha (xen canh với cây tiêu hoặc cà phê con)
  • Khoảng cách 5 x 4m, tương đương với mật độ 500 cây/ha (xen canh với cây tiêu hoặc cà phê con)
  • Khoảng cách 4 × 4m, tương đương với mật độ 625 cây/ha (xen canh với cây tiêu hoặc cà phê con)

Nếu trồng luân canh cây chanh leo, bà con duy trì khoảng cách và mật độ của cây như sau:

  • Khoảng cách 3 x 3m, tương đương mật độ 1.000 cây/ha (Giàn truyền thống)
  • Khoảng cách 3 x 2m, tương đương với mật độ 1.800 cây/ha (Giàn thẳng đứng)

4. Chuẩn bị đất trồng chanh dây

Chuẩn bị đất trồng cây trước 1 tháng, làm sạch cỏ trong vườn, đánh đất tơi xốp và bằng phẳng. Nếu trồng trên đất dốc, bà con nên làm rãnh thoát nước để chống xói mòn, rửa trôi vào mùa mưa.

Không nên trồng chanh leo trên vùng đất mới trồng cây mang bệnh nấm lở cổ rễ, các loại virus gây hại… Không trồng ở nơi đất trũng dễ ngập úng, khó thoát nước.

Nếu trước đó, vườn trồng đã trông cây tiêu hoặc cà phê thì bà con cần cày xới đất canh tác.

Để giảm lượng tuyến trùng trong đất, bà con nên trồng hoa mùa khoảng 2 – 3 vụ.

Đào hố đất có kích thước từ 50cm x 50cm x 50cm. Vùng đất khó đào thì nên đào sâu một chút. Khi đào lớp đất mặt sâu 20 – 25cm để riêng một bên, lớp đất còn lại ở phía dưới để riêng sang một bên.

Bón lót: Sử dụng 10 – 20kg phân chuồng ủ hoai mục (hoặc có thể thay thế bằng 2 – 3kg phân hữu cơ vi sinh) + 0,5kg phân super lân + 0,5 kg vôi bột + 1 thìa canh chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma (liều lượng dùng cho 1 hố). Đem phân bón trộn đều với lớp đất mặt và bón ủ xuống hố.

5. Hướng dẫn làm giàn cho chanh leo: 

Trồng cây chanh leo cần chú ý đến việc làm giàn. Bà con có thể làm giàn theo kiểu truyền thống hoặc giàn chữ T, chữ A…Mỗi kiểu giàn đều có ưu và nhược điểm riêng, tùy vào hạn mức đầu tư, địa thế đất, chuyên canh hay xen canh mà bà con tự chọn một kiểu giàn thích hợp. Kiểu giàn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả và quá trình chăm sóc thu hoạch của chanh dây nên bà con cần cân nhắc kỹ.

   1) Giàn chanh dây truyền thống: 

Đây là kiểu giàn sử dụng để trồng bí, bầu, mướp, mướp đắng.

Bà con sử dụng cọc tre xen kẽ với cọc bê tông chắc chắn, cách đều nhau. Phía trên dùng dây kẽm đan thành lưới ô vuông, cố định dây kẽm vào đầu của cọc tre, cọc bê tông.

Tuy giàn dễ thi công nhưng cho chất lượng quả không đồng đều, khó phòng trừ sâu bệnh, sang năm thứ 2 có thể sẽ bị sập giàn.

  • Sử dụng cọc bê tông xen kẽ với cọc tre hoặc cây gỗ tạp. Riêng hàng cọc ngoài cùng (hàng biên) cần sử dụng 100% cọc bê tông và phải tiến hành néo cọc
  • Cọc cách cọc / hàng cách hàng: 5m
  • Cọc bê tông có tác dụng là cọc chịu lực, nên có chiều cao 2,5 – 3m. Chôn sâu 50cm trở lên sao cho chiều cao giàn từ 2m – 2,5m.
  • Cọc tre có tác dụng chống giàn, có thể chôn hoặc không. Phần chân cọc nên sơn hoặc nhúng thuốc chống mối để tăng độ bền của giàn
  • Sau khi trồng cọc ta tiến hành giăng kẽm bên trên đầu cọc. Cách căng như sau
  • Kẽm 4 li: Căng xung quanh và căng nối các đầu cọc
  • Kẽm 1-2 li: Căng đan bên trong thành ô vuông 50cm x 50cm
  • Bà con có thể xem hình minh họa sau (Số 0 là cọc tre, Số 1-17 là cọc bê tông)

Ưu điểm giàn truyền thống

  • Có thể tận dụng các trụ tiêu trong những năm đầu mới trồng tiêu chưa có thu hoạch
  • Phù hợp với khu đất bằng phẳng, mảnh đất vuông vắn
  • Dễ thi công, không cần tính toán phức tạp

Nhược điểm giàn truyền thống

  • Khi cây phủ giàn sẽ che đi nhiều ánh sáng, phần bên dưới dàn khó xen canh loại cây khác
  • Khó chăm sóc, khó xử lý bệnh (Do giàn ở trên đầu, phần bên trên giàn hầu như không xử lý thuốc được)
  • Chất lượng quả bị ảnh hưởng nhiều, tỷ lệ quả loại 1 chỉ đạt 60-70%
  • Dàn dễ sập nếu thi công không cẩn thận, vật liệu thi công không chắc chắn, khi sập giàn sẽ ảnh hưởng nguyên cả giàn.
2) Giàn chanh dây chữ T

 a) Giàn chữ T cọc đôi:

Trồng cọc tre thành từng cặp cách nhau 1m, thanh ngang 2,5 – 3m. Mỗi đôi cọc sẽ cách nhau từ 4 – 4,5m, mỗi hàng cọc cách nhau 3m.

Bà con sử dụng dây kẽm 3 ly để buộc cố định đầu cọc, các thanh ngang lại với nhau. Dùng dây kẽm 2 ly để nối dài trên các thành ngang tạo thành lưới cho cây chanh dây leo lên, khoảng cách giữa các dây là 50cm.

b) Giàn cọc chữ T cọc đơn:

Cắm cọc với khoảng cách 3m, thanh ngang 1,2 – 1,5m. Chiều cao của cọc khoảng 3m, trong đó 0,5m chôn sâu dưới đất.

Ưu điểm giàn chữ T:

  • Có khoảng trống bên trên, khoảng trống giữa các hàng. Phần trống giữa các hàng có thể xen canh các loại rau màu cải thiện thu nhập
  • Ánh sáng mặt trời chiếu đều đến các từng vị trí của cây, hạn chế sâu bệnh, năng suất tính trên mỗi cây cao hơn, chất lượng quả loại 1 70-80%
  • Có thể quan sát tổng thể từng vị trí của cây, kịp thời xử lý bệnh, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch

Nhược điểm giàn chữ T:

  • Thiết kế thi công phức tạp
  • Mật độ trồng thưa, không phát huy được năng suất mong muốn
  • Cọc chính phải sử dụng loại cọc tốt. Do chịu nhiều lực.

6. Cách trồng chanh leo 

Ở giữa hố đất lớn đã bón lót, bà con đào một hố nhỏ ở giữa để đặt bầu cây.

Đặt cây con nhẹ nhàng xuống hố, vun đất tơi xốp, nén nhẹ, dùng cọc cắm, buộc thân cây vào cọc để cố định giúp cây con không bị đổ. sau khi trồng xong thì tưới đẫm nước cho bén rễ.

7. Kỹ thuật chăm sóc chanh dây 

  • Tưới nước: 

Cây chanh dây không chịu được ngập úng nhưng lại cần độ ẩm khá cao. Bà con duy trì tưới 2 lần/ngày, vào mùa khô, thời điểm cây đang ra hoa, đậu trái, nuôi trái, cần tăng lượng nước lên.

bà con có thể lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt xung quanh gốc để tiết kiệm nước, duy trì độ ẩm thích hợp cho cây.

Vào mùa mưa, cần theo dõi thường xuyên, tiêu nước kịp thời để rễ không bị ngập úng.

  • Kỹ thuật bón phân cho chanh dây

Bón lót: Tiến hành bón lót với tỷ lệ như phần chuẩn bị hố trồng đã trình bày ở trên

Bón thúc: Trong giai đoạn cây con, cần tiến hành bón thúc cho cây để kích thích cây phát triển rễ, cành, lá. Mỗi lần bón thúc sử dụng phân 0,1 – 0,2kg NPK có tỷ lệ Đạm (N) Lân (P) cao (16-16-8 hoặc 20-20-10) cách nhau 10-15 ngày. Kéo dài trong 2 tháng đầu tiên.

Từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 6, vẫn sử dụng phân NPK có tỷ lệ N và P cao, nhưng tăng lượng phân lên 0,2 – 0,3kg/cây. Khi bón có thể kết hợp với tưới nước để tăng hiệu quả thẩm thấu, hạn chế thất thoát do bay hơi. Mỗi tháng bón 2 lần

Tháng thứ 6 trở đi cây bắt đầu ra hoa đậu quả. Dùng phân NPK có tỷ lệ K cao để tăng chất lượng quả, tăng tỷ lệ đậu trái. Mỗi gốc bón 0,3 – 0,5kg. Tháng bón 2 lần

Bón phân hữu cơ: đầu hoặc cuối mùa mưa, tiến hành đánh rãnh đối xứng quanh gốc, bón 5-10kg phân chuồng hoai mục + 0,3 – 0,5kg supe lân. Trộn đều với lớp đất mặt rồi lấp xuống rãnh. Rãnh sâu 25-30cm cách gốc 0,5 – 1m. Nếu thời điểm bón phân đang thuộc giai đoạn thu hoạch có thể dời sang thời gian khác, miễn sao đảm bảo 1 năm bón phân hữu cơ 1 lần

Phun phân vi lượng qua lá: Cần thường xuyên kiểm tra trạng thái lá, nếu lá hiện màu vàng nhạt, nổi rõ gân xanh, thì cây đang thiếu vi lượng. Tiến hành phun phân qua lá. Mỗi năm 1-2 lần. Khi phun cần phun vào ngày mát trời, phun ướt đều mặt lá để tăng hiệu quả thẩm thấu. Có thể kết hợp pha chung với thuốc bảo vệ thực vật (xem kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì)

8. Tỉa cành, tạo tán chanh leo

Cây chanh leo sinh trưởng và phát triển nhanh, do đó bà con cần áp dụng đúng kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán để tăng diện tích tán cây tiếp xúc với ánh sáng,  thân cây phát triển cân đối, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thúc cây ra nhiều hoa, sai trĩu quả, năng suất cao.

Vị trí cắt tỉa cành cần tuân thủ nguyên tắc: cắt cách chỗ phân cành chính từ 10 – 15cm. Sử dụng kéo cắt cành hoặc dao cắt sắc bén. Cắt lần lượt từ trong tán ra bên ngoài, cắt cành lớn trước rồi đến cành bé. Sau khi cắt tỉa cần dọn dẹp sạch khu vườn, tránh để ủ mầm bệnh.

Tiến hành tạo tán cho cây khoảng 1m: Bấm bớt lá ở gốc. Khi cây leo lên giàn từ 20 – 40cm thì để ra 5 – 6 cành cấp 1, cho tỏa đều sang các hướng trên giàn. Tiếp tục bấm ngọn để cành cho tán cấp 2. ở tán cấp 2, để tư 4 – 5 cành tỏa đều ra các hướng. Tiến hành vào thời gian đầu mới trồng cho đến khi cành của chanh leo đã phủ kín giàn.

Khi cây kín giàn, tiếp tục tạo tầng bằng cách kéo nhanh xuống dưới. Tạo nhiều tầng cho cây nhằm mục đích tăng diện tích giàn, tăng năng suất đậu quả.

Trong suốt quá trình trồng, chăm sóc, cho thu hoạch trái, bà con tiến hành tỉa bớt:

  • Những cành mọc quá dày, mọc lộn xộn
  • Cành bị sâu bệnh hại
  • Cành còi cọc, bị che lấp ở phía dưới
  • Cành vượt có tốc độ sinh trưởng không bình thường
  • Cành không còn khả năng cho ra hoa đậu quả
  • Cành chột, đã cho quả ở vụ trước
  • Tỉa bớt các lá vàng dưới gốc, lá già, lá bị sâu bệnh
  • Trong quá trình nuôi quả, khi quả lớn, bà con cũng cần tỉa bớt lá ở vị trí sai quả.
  • Tỉa lá của những cành không sai quả.

Các biệt pháp chăm sóc định kỳ khác

  • Làm bồn: Đây là một biện pháp chăm sóc đặc biệt trong kỹ thuật trồng chanh dây. Làm bồn để duy trì độ ẩm, giúp quá trình bón phân và tưới nước hiệu quả hơn, chống rửa trôi, xói mòn các chất dinh dưỡng hữu cơ trong đất. Làm bồn cao 10 – 15cm, cách gốc 0,5 – 1m khi cây bước vào thời kỳ cho trái.
  • Làm cỏ: Nên dùng các biện pháp thủ công để xới cỏ định kỳ quanh gốc cây, hạn chế tối đa dùng thuốc trừ cỏ sẽ làm tổn hại đến bộ rễ và sự phát triển của cây trồng. Kết hợp tụ gốc, làm sạch cỏ dại trong mỗi lần bón phân để hạn chế mầm bệnh.

9. Phòng trừ sâu bệnh hại cây chanh leo

Trong kỹ thuật trồng chanh dây, công tác phòng bệnh rất quan trọng. Mầm bệnh cần được phát hiện và xử lý triệt để, nếu không sẽ lây lan nhanh, thiệt hại lớn.

Một số biện pháp phòng bệnh:

  • Trồng đúng mật độ được khuyến cáo. Trồng quá dày lá cây khó quang hợp, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
  • Mua đúng cây giống, ở địa chỉ uy tín, không nên ham rẻ mà mua cây còi cọc, yếu ớt, sâu bệnh.
  • Thực hiện đúng kỹ thuật cắt tỉa cành, tán, các biệt pháp chăm sóc định kỳ.

Các tác nhân gây bệnh ở cây chanh leo xuất phát từ: tuyến trùng, các loại nấm, vi khuẩn, virus. 

Developed by Tiepthitute
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay
Chat ngay