Hướng dẫn chi tiết về chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc

Mục Lục Bài Viết

Xuất khẩu thực phẩm là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Trong đó, thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới. Tuy nhiên, để xuất khẩu thành công, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định về kiểm dịch thực vật. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn hướng dẫn xuất khẩu chanh dây sang thị trường Trung Quốc.

Cửa khẩu nào cho phép chanh leo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc?

  1. Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc)
  2. Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn, Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc)
  3. Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn, Việt Nam) – Bằng Tường (Trung Quốc)
  4. Ga đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) – Bằng Tường (Trung Quốc)
  5. Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc)
  6. Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng, Việt Nam) – Long Bang (Trung Quốc)
  7. Cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng, Việt Nam) – Thủy Khẩu (Trung Quốc)

Thông thường, chanh leo của bà con trồng ở khu vực Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk sẽ được chuyển qua các cửa khẩu thuộc Lạng Sơn hoặc Quảng Ninh.

Thủ tục xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc

Để chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc nhanh chóng và dễ dàng, bạn thực hiện theo 3 bước sau:

Bước 1: Đăng ký mã số xuất khẩu

Đầu tiên, vườn chanh leo và cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc phải có mã sốdo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (MARD) cấp và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt. Quy trình cũng giống như những loại quả đã được cấp phép xuất khẩu trước đây. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và số đăng ký để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc chính xác trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không tuân thủ các quy định liên quan.

Trước mùa xuất khẩu hàng năm, MARD sẽ cung cấp cho GACC danh sách đăng ký. Trải qua quá trình kiểm định và phê duyệt, GACC sẽ công bố danh sách đăng ký này trên trang web chính thức.

Các doanh nghiệp đóng gói cần lưu ý rằng chanh leo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được đặt tên là Passiflora edulis Sims. Toàn bộ các bước trồng trọt, gia công và đóng gói đều phải thực hiện tại Việt Nam.

Bước 2: Kiểm dịch, kiểm hàng trước khi xuấu khẩu 

Trước khi xuất cảnh, MARD sẽ trích khoảng 2% mỗi lô hàng chanh leo xuất sang Trung Quốc để kiểm dịch. Sẽ lấy ít nhất 30 quả chanh leo và tất cả những quả khả nghi được lấy ra để cắt kiểm tra.

Các sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm đối với chanh leo Việt Nam xuất khẩu là:

  1. Ruồi đục quả Bactrocera correcta
  2. Rệp sáp Planococcus minor
  3. Rệp sáp Pseudococcus longispinus
  4. Nấm bệnh Lasiodiplodia theobromae
  5. Nấm bệnh Globisporangium splendens

Bà con và doanh nghiệp cần lưu ý nếu phát hiện sinh vật có hại, lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc. Không những thể, MARD sẽ cho tạm dừng tư cách xuất khẩu vụ mùa của xưởng đóng gói cũng như vườn trồng liên quan. Đây là lý do vì sao việc chọn giống chanh leo khỏe và ít sâu bệnh, cho ra trái đều đẹp lại quan trọng.

Hiện nay trên thị trường, một số giống chanh leo phổ biến, thường được bà con sử dụng tại vườn trồng xuất khẩu là Nafoods 1, Tai Non One, Quế Phong,…

chanh leo xuất khẩu

Bước 3: Nhận giấy Kiểm dịch thực vật và xuất khẩu

Cuối cùng, MARD sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với những lô hàng đạt tiêu chuẩn. Trong phần khai báo bổ sung sẽ được ghi rõ những nội dung sau: “This consignment of passion fruits is free from quarantine pests of concern to China”. Có nghĩa là “Lô hàng chanh leo này không có dịch hại thuộc danh mục kiểm dịch mà Trung Quốc lo ngại”. Cùng với đó là mã số đăng ký của vườn trồng và cơ sở đóng gói.

Tiêu chuẩn quản lý vườn trồng chanh leo xuất khẩu là gì?

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi xuất sang Trung Quốc, vùng trồng chanh leo cần:

  • Tuân thủ theo Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
  • Thường xuyên vệ sinh vùng trồng như thu gom quả rụng, làm cỏ,…
  • Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bao gồm giám sát và điều tra dịch hại, các biện pháp phòng trừ vật lý hóa học hoặc sinh học cùng với các biện pháp kiểm soát khác.
  • Vườn trồng cần có các biện pháp phòng trừ và quản lý sinh vật gây hại.

>> Xem thêm: Quy trình trồng chanh dây hữu cơ xuất khẩu

MARD thực hiện giám sát quy trình kiểm tra và giám sát vườn trồng trong cả năm. Ngoài việc nhìn bằng mắt thường, cần kiểm tra bằng phương pháp vật lý hoặc hóa học.

Đối với vấn đề ruồi đục quả, trong các vườn trồng cần lắp đặt bẫy pheromone và sử dụng bẫy dính màu vàng để theo dõi sự hiện diện của các loài côn trùng. Đối với sinh vật gây hại thuộc nhóm côn trùng bộ cánh vẩy, cần tập trung kiểm tra quả, cành, thân và lá. Đối với các loại nấm như Lasiodiplodia theobromae và Globisporangium splendens, nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, mẫu vật phải được gửi đến phòng xét nghiệm để được kiểm định. Khi phát hiện các loài gây hại mà Trung Quốc quan tâm, ngay lập tức áp dụng các biện pháp kiểm soát hóa học hoặc vật lý.

Quá trình giám sát sinh vật gây hại sẽ được tổ chức tập huấn hướng dẫn cụ thể cho bà con tại vùng trồng thông qua MARD hoặc các cơ sở đào tạo được MARD ủy quyền.

Đồng thời, MARD thực hiện lưu trữ hồ sơ giám sát sinh vật gây hại trong vườn trồng, hồ sơ phòng, chống,… Những thông tin này cần được cung cấp khi nhận được yêu cầu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Hồ sơ phòng chống phải ghi rõ tên các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong quá trình trồng trọt, bao gồm tên hoạt chất, liều lượng và thời gian sử dụng, và nhiều yếu tố khác.

Tiêu chuẩn về quản lý cơ sở đóng gói chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc

Quá trình chế biến và đóng gói chanh leo dành cho xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Quy định chế biến bao gồm:

  • Chọn lọc: Quả chanh leo sẽ được chọn lọc và phân loại thủ công, nhằm loại bỏ các quả bị nhiễm sâu bệnh, quả thối, quả dị dạng, cành và lá không phù hợp, cuống quả,…
  • Làm sạch toàn diện: Quả chanh leo sau khi được lựa chọn sẽ trải qua quá trình làm sạch toàn diện để loại bỏ tàn dư thực vật. Quá trình này có thể dùng súng hơi hoặc súng phun nước áp suất cao nhằm loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, cặn bã và các tạp chất khác từ bề mặt quả.
  • Xử lý thuốc trừ nấm: Sau khi thu hoạch, quả chanh leo cũng có thể tiếp tục được xử lý bằng thuốc trừ nấm để loại bỏ bào tử nấm bám trên bề mặt quả một cách hiệu quả. Quá trình xử lý này đảm bảo tính an toàn và chất lượng của sản phẩm xuất khẩu.

Yêu cầu đóng gói của xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc áp dụng các quy định sau:

Bao bì và yêu cầu về vật liệu:

  • Bao bì đóng gói phải được giữ sạch và tuân thủ các quy tắc vệ sinh, đảm bảo không sử dụng bao bì đã qua sử dụng.
  • Bao bì bằng gỗ phải tuân thủ Tiêu chuẩn Quốc tế về các Biện pháp KDTV số 15 (ISPM15), đảm bảo bao gồm quy trình khử trùng và đánh dấu phù hợp.

Bảo quản và đóng gói:

  • Chanh leo sau khi đã đóng gói nếu cần bảo quản sẽ được đặt trong kho lạnh và phải được lưu trữ riêng biệt để tránh lây nhiễm sinh vật gây hại.
  • Mỗi hộp đóng gói phải có thông tin được ghi bằng tiếng Anh bao gồm: tên trái cây, quốc gia, nơi xuất xứ, thông tin về vườn trồng hoặc mã số đăng ký, thông tin về nhà đóng gói hoặc mã số đăng ký của cơ sở đóng gói, và các chi tiết khác liên quan.
  • Mỗi hộp đóng gói và pallet phải được dán nhãn bằng chữ tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh với nội dung “Exported to the People’s Republic of China” (输往中华人民共和国).

Các quy định trên đảm bảo rằng quá trình đóng gói và bảo quản chanh leo xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu của Trung Quốc, đồng thời đảm bảo tính an toàn và chất lượng của sản phẩm khi tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Hy vọng rằng thông tin trong bài viết này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kiến thức để xuất khẩu thành công sản phẩm chanh leo sang thị trường Trung Quốc.

Developed by Tiepthitute
Bản đồ
Facebook Messenger
Gọi ngay
Chat ngay