Với lợi thế về xuất khẩu và tiềm năng thị trường, cây chanh leo (chanh dây) đang mang đến cho người trồng nguồn thu nhập khá.
Lợi thế xuất khẩu chanh leo
Những năm gần đây, chanh leo luôn nằm trong top những loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo nước ta đã tăng hơn 300%.
Hiện chanh leo Việt cũng đã xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như: Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ và mới đây là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc hồi tháng 7/2022.
Trên thị trường thế giới, chanh leo là một trong bốn loại trái cây có nhu cầu cao. Nhu cầu đối với chanh leo tươi là hàng trăm nghìn tấn quả/năm; với nước ép chanh leo cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm.
Việt Nam có lợi thế gia tăng thị phần khi chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 6.000 ha với sản lượng 300.000 – 400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… Việt Nam lại có bộ chanh leo tương đối phong phú, nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm.
Không chỉ xuất khẩu quả tươi, chanh leo cũng là một trong những trái cây hiện đang có tỷ lệ chế biến cao. Điển hình như trong năm 2022, trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu thì tỷ trọng của sản phẩm chế biến biến chiếm gần 30%, đạt hơn 1 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm chế biến từ trái chanh leo dẫn đầu về trị giá.
Cây chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định
Với lợi thế về xuất khẩu và tiềm năng thị trường, cây chanh leo cũng đang mang đến cho người trồng nguồn thu nhập khá. Tây Nguyên là vùng trồng chanh leo lớn nhất cả nước với diện tích gần 10.000 ha. Những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn bước vào vụ thu hoạch với niềm vui được mùa, được giá đem lại lợi nhuận kinh tế cao.
Trồng hơn 200 gốc chanh leo, mỗi ngày ra vườn ông Nguyễn Tấn Lục – thôn 4, xã Ia HLốp, huyện Chư Sê, Gia Lai thu hoạch được khoảng 1,2 tạ trái. Với mức giá trung bình khoảng 15.000 đồng/kg, ông thu về hơn 1,5 triệu đồng mỗi ngày.
Những ngày này, nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai rất phấn khởi bước vào vụ thu hoạch chanh dây. Chanh dây được mùa, được giá, đem lại lợi nhuận cao cho các hộ dân.
Toàn tỉnh Gia Lai có khoảng 4.500 ha chanh leo, đứng đầu cả nước về diện tích. So với nhiều loại cây trồng khác, hiện nay cây leo dây cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định.
Đáng chú ý, những hộ dân trồng chanh dây theo quy trình VietGap, GlobalGap liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp, còn được thu mua với giá cao hơn thị trường, mỗi ha có thể thu về hơn 300 triệu đồng.
Chú trọng chất lượng và chế biến chanh leo xuất khẩu
Tỉnh Gia Lai là địa phương đứng đầu diện tích chanh leo trên cả nước đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích cây trồng này từ 4.500 ha tăng lên 20.000 ha vào năm 2025. Song song với đó, địa phương cũng đang chú trọng nâng cao chất lượng và tăng cường khâu chế biến để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Gia Lai đã chủ trương chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả, sang phát triển cây ăn trái, trong đó có chanh leo.
Chanh leo cũng được đưa vào nhóm 4 loại trái cây xuất khẩu chủ lực, bên cạnh chuối, bơ và sầu riêng. Nhiều hộ dân lựa chọn giải pháp trồng xen cây chanh leo, cùng với các loại cây dài ngày để hạn chế rủi ro.
Không chỉ phát triển được vùng nguyên liệu lớn, mà đến nay tỉnh Gia Lai còn thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm từ chanh leo.
Năm 2022, nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã thu mua được 35.000 tấn chanh leo. Tuy nhiên theo doanh nghiệp, con số này vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng so với nhu cầu của thế giới. Vì vậy, cơ hội mở rộng thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc còn rất lớn.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại, đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam, trong đó có trái chanh leo có thể bùng nổ trong thời gian tới. Đây chính là cơ hội tốt cho nông Tây Nguyên tăng cường liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.